Cẩn thận viêm họng cấp tấn công trẻ mùa nóng
Nhiều người lầm tưởng rằng viêm họng cấp chỉ tấn công trẻ vào mùa lạnh. Trên thực tế, mùa nóng trẻ vẫn bị viêm họng cấp như thường và nếu bố mẹ chủ quan trong việc phòng và điều trị có thể khiến trẻ gặp biến chứng nguy hiểm.
Lâu nay, rất nhiều người vẫn nghĩ rằng căn bệnh viêm họng cấp chỉ tấn công trẻ vào mùa đông khi thời tiết lạnh giá. Tuy nhiên điều này chỉ đúng một nửa. Mùa lạnh là thời điểm trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp do người lớn thường khá chủ quan với những chuyển biến về thời tiết. Những nguyên nhân hàng đầu khiến cho trẻ nhỏ mắc phải căn bệnh phổ biến về đường hô hấp này mùa đông là không giữ ấm cổ, không thích nghi kịp với sự thay đổi đột ngột của khí hậu....
Tuy nhiên, ngay cả vào mùa nóng vẫn có rất nhiều trẻ nhỏ bị viêm họng cấp tấn công. Mùa hè là thời điểm vi khuẩn và virus phát triển mạnh mẽ nhất nên trẻ sức đề kháng kém vẫn mắc bệnh như thường. Bên cạnh đó, thời tiết nóng nực, trẻ dùng các loại đồ uống quá lạnh để giải khát thì rất dễ mắc viêm họng cấp tính. Viêm họng cấp tính làm sưng nề niêm mạc họng một cách nhanh chóng. Bệnh nếu không được điều trị dứt điểm rất dễ gây biến chứng như viêm amidan, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tai, viêm xoang, viêm hạch mủ, và nguy hiểm nhất là nhiễm khuẩn huyết.
Dấu hiệu và biến chứng không thể xem thường của viêm họng cấp
Viêm họng cấp thường khởi phát đột ngột, sốt cao 39 đến 40 độ C, làm trẻ đau rát họng, ho, nghẹt mũi, quấy khóc nhiều, bỏ ăn. Trẻ bị viêm họng cấp mà sốt cao rất có thể bị co giật. Các bé lớn hơn có thể sẽ kêu với bố mẹ là đau họng, nghẹt mũi, ù tai, đau đầu, rát họng. Trẻ còn có biểu hiện mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn khi bị viêm họng cấp. Nếu sờ vào vùng góc hàm của trẻ có thể thấy xuất hiện viêm tấy hạch và đau. Nếu không được điều trị, viêm họng cấp có thể kéo dài từ 7 - 10 ngày và rất dễ gây biến chứng như viêm xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm hạch mủ, viêm amidan, viêm tai, VA quá phát, thậm chí là nhiễm khuẩn huyết.
Đặc biệt những trẻ viêm họng do vi khuẩn liên cầu nhóm A (S. pyogenes) là rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến thấp tim, viêm cầu thận cấp. Viêm họng cấp tính nếu không được điều trị dứt điểm ngay từ đầu thì rất dễ chuyển thành viêm họng mạn tính, tái phát nhiều lần.
Bố mẹ cần trang bị ngay kiến thức phòng bệnh cho con
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, đối với trẻ em việc phòng bệnh lại càng quan trọng hơn.
Thời tiết nóng bức, môi trường ô nhiễm trong mùa hè là điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn, vi sinh vật phát triển và gây bệnh. Vì vậy, bố mẹ cần tập cho trẻ nhỏ thói quen vệ sinh họng, răng, miệng hằng ngày như đánh răng, súc họng bằng nước muối loãng.
Với những bé có bệnh về đường hô hấp trên mạn tính, hay tái phát thì không nên cho uống nước vừa lấy từ trong tủ lạnh, nước có đá vì sẽ gây lạnh đột ngột, rất dễ viêm họng. Nếu bật điều hòa nhiệt độ cho trẻ dễ ngủ buổi tối thì nên để mức nhiệt độ vừa phải, lý tưởng cho trẻ là trên 26 độ C. Nếu sử dụng quạt thì không để quạt thốc thẳng vào trẻ mà nên cho quạt quay, tốc độ quạt ở mức vừa phải.
Đặc biệt, trẻ nhỏ dễ bị viêm họng cấp chứng tỏ sức đề kháng của con yếu. Lúc này, bố mẹ hãy bổ sung những loại thực phẩm có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch cho con, giúp bé chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.