Viên ngậm chữa ho cho trẻ: Con dao 2 lưỡi nguy hiểm
Khi thấy trẻ bị ho, nhiều bố mẹ tự ra quầy thuốc mua các loại viên ngậm chữa ho về cho con dùng. Theo các chuyên gia, lạm dụng viên ngậm chữa ho như vậy rất nguy hiểm.
Các chuyên gia y tế đều khẳng định viên ngậm chữa ho là con dao 2 lưỡi rất nguy hiểm vì khi cơn ho bị ức chế, đờm không được đẩy ra ngoài mà bị ứ lại khiến bệnh nặng thêm. Tình trạng này lâu dần có thể diễn tiến thành viêm đường hô hấp mạn tính.
Viên ngậm không có tác dụng trị ho tận gốc
Hiện có rất nhiều loại thuốc ho khác nhau trên thị trường. Ngoài thuốc viên mà còn có dạng siro kẹo ngậm, viên ngậm với các hương vị hấp dẫn cho trẻ nhỏ. Tất cả đều được quảng cáo rất công hiệu kiểm soát hữu hiệu các cơn ho, ức chế trung tâm gây ho, chữa dứt các cơn ho.
Do rất tiện lợi nên nhiều bố mẹ thường mua các loại thuốc ngậm cho con mỗi khi bé bị ho. Tuy nhiên, theo các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, xét về công dụng thực tế, viên ngậm ho chứa những chất sát trùng họng chỉ có công dụng sát trùng đường hô hấp, dịu thanh quản, làm dịu cơn ho, hỗ trợ điều trị các chứng ho, đau họng, khản giọng… chứ không thể chữa ho hay trị triệt để cơn ho.
Do đó, việc lạm dụng viên ngậm chữa ho trong nhiều trường hợp còn gây hại cho sức khỏe. Không ít trường hợp bệnh của trẻ tăng nặng do mẹ cho sử dụng các loại viên ngậm ho hay sirô ho.
Trên thực tế, để điều trị dứt bệnh phải tìm được nguyên nhân gây ho. Nguyên nhân gây ho có rất nhiều nhưng thường gặp là do cảm lạnh, mắc các bệnh đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm xoang, viêm amiđan, viêm thanh quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi…
Trị ho đúng cách cho trẻ
Ho có hai loại là ho có đờm và ho khan. Ho khan thường không có đờm, có thể gây ngứa họng, khàn giọng hoặc mất giọng. Trẻ bị ho khan thường vẫn cảm thấy khỏe mạnh, không bị khó thở và nặng ngực. Trong khi đó, trẻ bị ho có đờm hay bị khó thở, người mệt lả. Ho có đờm có thể là triệu chứng còn lại sau khi viêm mũi, viêm họng hay viêm xoang... Mỗi loại ho sẽ có cách điều trị sẽ khác nhau. Ho có đờm cần dùng thêm thuốc để tống đờm ra vì nếu dùng thuốc trị ho khan thì không có tác dụng.
Trường hợp trẻ bị ho do nước mũi chảy xuống họng chỉ cần vệ sinh sạch mũi thì sẽ khỏi. Trường hợp ho kèm sốt, khó thở, mũi khô… thì nên đưa trẻ đến bác sĩ bởi nếu bị viêm phổi, hen suyễn, viêm thanh quản thì phản ứng ho sẽ giúp tống xuất đờm nhớt ra ngoài, làm sạch và thông thoáng đường thở. Trong khi đó, viên ngậm ho lại ức chế phản xạ ho, làm đờm bị ứ lại mà không đẩy ra ngoài, có nguy cơ làm bệnh tiến triển nhanh, trở thành viêm đường hô hấp mạn tính.
Chính vì vậy, cần có sự tư vấn của bác sĩ trước khi dùng thuốc ngậm ho cho trẻ nhỏ.
Ngoài ra, khi trẻ bị ho, mẹ có thể sử dụng một số bài thuốc từ thiên nhiên để hạn chế tác dụng phụ mà vẫn giảm ho, ngứa họng cho con như mật ong, gừng, ô mai, cam thảo, vỏ quýt… Mẹ cũng nên bổ sung các loại thực phẩm có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể trẻ em khỏe mạnh, đủ sức chống chọi lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.