Bạn có biết: 30% trẻ nhập viện bị kháng thuốc do bố mẹ dùng kháng sinh "vô tội vạ"?
Kháng sinh mua dễ như rau! Đó là tình trạng đáng báo động ở nước ta hiện nay. Đáng báo động hơn, việc lạm dụng kháng sinh cho trẻ nhỏ một cách “vô tội vạ” đã khiến 30% trẻ nhập viện bị kháng thuốc.
Thuốc kháng sinh mua dễ như mua rau
Ở nước ta hiện nay, 90% số thuốc kháng sinh được bán mà không cần kê đơn. Hầu hết ở các gia đình, khi trẻ có bất cứ triệu chứng gì đều nghĩ ngay đến “thần dược” thuốc kháng sinh. Theo thói quen, khi con ốm, thay vì đi khám các bậc phụ huynh lại xin tư vấn từ người thân, bạn bè, hay thậm chí là “bác sĩ” Google.
Một tỷ lệ lớn trẻ nhỏ đang được cho sử dụng kháng sinh trong các trường hợp không cần thiết như sốt nhẹ, ho, sổ mũi,… Trẻ nhỏ viêm hô hấp trên, 70-85% là do virus, chỉ có 10-15% là do vi khuẩn, song khi đi khám 70% trẻ được bác sĩ cho dùng kháng sinh ngay mà không cần thiết.
Tình trạng “nhờn thuốc” đáng báo động ở trẻ nhỏ
Cứ con ốm là “cầu cứu” đến kháng sinh mà nhiều bố mẹ không biết được những hiểm họa khó lường đằng sau đó, nó có thể gây nên nhiều tác dụng phụ khác nhau. Tác dụng phụ đầu tiên là dị ứng, có thể gây sốc phản vệ, diễn ra vô cùng nhanh và thể gây tử vong ngay mà không thể tiên đoán trước được. Ngay cả với dị ứng chậm cũng vô cùng nguy hiểm, nó dẫn tới tình trạng nhiễm độc kháng sinh nặng và dẫn đến tử vong sau 1-2 tuần. Tác dụng phụ thứ hai là ảnh hưởng đến chức năng đường ruột của trẻ. Sử dụng kháng sinh cho trẻ sẽ vô tình tiêu diệt những vi khuẩn có lợi trong cơ thể, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, gây nên các hệ quả như trẻ bị tiêu chảy, trẻ biếng ăn, ăn kém hấp thu, chậm lớn,…
Tác dụng phụ thứ ba và cũng là tác dụng phụ nguy hiểm nhất, đó là nguy cơ dẫn đến tình trạng nhờn thuốc, kháng thuốc. Trẻ có thể đáp ứng tốt với thuốc kháng sinh trong vài lần đầu sử dụng, nhưng nhanh chóng nhờ thuốc bởi vi khuẩn đã biến thể.
Nguy hiểm hơn, rất nhiều bố mẹ có thói quen cho trẻ dùng kháng sinh sau 2-3 ngày thấy đỡ liền dừng thuốc. Điều đó vô cùng nguy hiểm bởi khi kháng sinh đi vào cơ thể, vi khuẩn đang bị yếu dần đi, nhưng sau khi ngừng uống thuốc thì không những không bị tiêu diệt, khả năng rất cao vi khuẩn sẽ sống lại và dần có sức đề kháng với chính loại kháng sinh đang sử dụng, gây nên tình trạng kháng thuốc rất nguy hiểm.
Hơn 30 năm trong nghề, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) không còn nhớ đã bao nhiêu lần phải đau xót chứng kiến các trường hợp bệnh nhi tử vong chỉ vì bệnh rất đơn giản do vi khuẩn gây nên nhưng kháng sinh vô tác dụng trong trường hợp này. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, những hệ lụy của việc cho trẻ sử dụng kháng sinh thực sự là hồi chuông cảnh báo đến các bậc phụ huynh: “Tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh là sai lầm nghiêm trọng cần được loại bỏ, rất có hại tới sức khỏe của trẻ. Hiện nay, tình trạng cha mẹ tự làm bác sĩ ngày càng gia tăng, để lại nhiều hệ lụy nguy hiểm”.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cũng cho biết: “Kháng sinh giúp giảm nguy cơ tử vong do các bệnh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, tình trạng vi khuẩn kháng thuốc đang ngày càng phổ biến. Chẳng hạn tụ cầu kháng methicilline; phế cầu kháng penicilline; khuẩn salmonela đa kháng với choramphenicol, ampicillin, cotrimoxazole… Lạm dụng kháng sinh là nguyên nhân chủ yếu gây kháng thuốc”.
Bệnh viện Bộ, Ngành và các bệnh viện thuộc các trường Đại học có tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh thấp nhất. Càng ở bệnh viện tuyến dưới, tỷ lệ sử dụng kháng sinh trong điều trị càng cao. Tại các bệnh viện tuyến trên, đại diện BV Nhi Trung ương, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương,… đều thừa nhận tại bệnh viện mình đã có các loại vi khuẩn kháng kháng sinh, thậm chí đã xuất hiện những “siêu vi khuẩn” kháng hầu hết các loại thuốc kháng sinh hiện có cho nên bác sĩ phải điều trị kết hợp nhiều loại thuốc kháng sinh khác nhau.
PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 3.000 - 4.000 bệnh nhi, đa phần là bệnh nhi đang ở mức độ rất nặng và được chuyển từ nhiều bệnh viện tuyến dưới lên, do đó tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện ở mức cao, kéo theo tình trạng kháng thuốc cao. Có tới 30% bệnh nhi nhập viện có vi khuẩn kháng thuốc.
Không “nhồi nhét” kháng sinh cho trẻ khi không cần thiết
Kháng sinh có thể trở thành “con dao hai lưỡi”, do đó bố mẹ hãy thận trọng khi dùng kháng sinh cho con. Với những bệnh phổ biến như cảm cúm, cảm lạnh, sốt siêu vi, viêm nhiễm đường hô hấp trên, trẻ không cần sử dụng kháng sinh. Thậm chí, với các trường hợp viêm tai – mũi – họng ở mức độ nhẹ, viêm phế quản, trẻ vẫn ăn uống bình thường, vẫn chơi đùa, không có biểu hiện khó thở nặng lên,… thì bố mẹ không nên vội vàng “nhồi nhét” kháng sinh cho trẻ.
Thay vào đó, bố mẹ nên chăm sóc tích cực cho bé, hạ sốt bằng chườm mát, giảm ho bằng các liệu pháp thảo dược, tăng cường cho bé uống nước, bổ sung các chất lỏng giàu dinh dưỡng như súp, sinh tố, nước ép trái cây,… Sau một vài tuần bệnh sẽ tự khỏi. Với các trường hợp bệnh có dấu hiệu nặng lên, bố mẹ cần đưa trẻ tới ngay bệnh viện để bác sĩ khám và có kết luận chính xác trẻ bị nhiễm virus hay vi khuẩn, từ đó chỉ định sử dụng thuốc phù hợp.
Trong trường hợp bắt buộc phải cho bé sử dụng kháng sinh, bố mẹ cần lưu ý phải tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng về thời gian sử dụng, liều dùng, lưu ý cần tránh kết hợp với những loại thuốc gì,… để thuốc phát huy tối đa tác dụng tiêu diệt vi khuẩn. Dùng kháng sinh cho bé đúng loại – đúng liều – đúng thời gian, như vậy vi khuản sẽ không có cơ hội phát triển các thể kháng thuốc.
Xem thêm:
>>> 8 cách chữa viêm họng cho trẻ nhỏ an toàn và hiệu quả được bác sĩ khuyên dùng
>>> Cách điều trị trẻ sơ sinh viêm đường hô hấp trên
>>> Mách mẹ cẩm nang giúp bé tăng cân sau ốm cực hiệu quả